Những câu chuyện lưu truyền Nguyễn_Quán_Nho

Học theo Mạc Đĩnh Chi

Nhà nghèo, cha mất sớm nhưng thuở nhỏ Nguyễn Quán Nho rất ham học. Lúc theo mẹ đi làm thuê cho nhà giàu, ông áp tai vào vách nhà để nghe lỏm lời thầy giảng và lấy que củi vạch chữ lên nền đất. Về nhà ông học bài bằng cách lấy que vạch chữ trên thân cây xương rồng, trên lá chuối. Về đêm, ông bắt đom đóm bỏ vào quả cà đã khoét ruột hoặc vỏ trứng để học bài[5].

Chàng Cháy

Nhà nghèo nên phải nấu cơm bằng nồi đất nhưng loại nồi này hay vỡ, ông phải thường xuyên mượn nồi của hàng xóm để nấu cơm. Hàng xóm thương tình nên thường để lại ít cơm cháy trong nồi khi cho mượn. Sau này dân làng gọi đùa ông là Chàng Cháy.

Quan trạng vớt bèo

Ngày Nguyễn Quán Nho vinh quy bái tổ về làng, mặc cho các quan lại hàng tổng hàng huyện chuẩn bị đón rước, mẹ ông vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn. Khi lý trưởng mời bà về dự lễ rước quan trạng, bà nói rằng:

- Nó thi đỗ là việc của nó sao lại phải đón rước, tôi đang bận vớt bèo!

Nguyễn Quán Nho nghe kể lại, vội cởi áo mũ, cởi giày, xắn quần ra ao làng cầm gậy vớt đầy rổ bèo đem về nhà rồi mời mẹ ra đình làng làm lễ. Đến nay làng Dương Hòa còn lưu truyền câu ca Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy.

Đùm tro áo lụa

Nguyễn Quán Nho trong thời làm quan ở Ninh Bình, vì việc công bận bịu không về thăm mẹ được nên nhân ngày Tết mới gom góp tiền bổng lộc sắm cho mẹ già chiếc áo lụa và sai lính đem về. Mẹ ông giở ra thấy tấm áo quý chưa từng được mặc, nhưng lại tỏ ra không vui vì nghĩ đây là của bất chính. Bà nói Bổng lộc của quan là dầu mỡ của dân hay sao, rồi bà đốt tấm áo, gói nắm tro gửi lại cho quan nghè. Khi mở ra, Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ, suốt đời ông đã sống thanh liêm, không bòn rút của dân lành.

Khi ông mất, dân quê ông khóc thương ông:

Chàng về Vạn Vạc[6] chàng ơi.Con chàng bỏ đói ai nuôi cho chàng.